Một bạn trẻ phân vân không biết sẽ làm gì đối với tiệm ăn của mình sau dịch cúm.
Mình có hỏi thẳng mấy câu hỏi quan trọng sau đây:
– Tiệm mở được bao lâu rồi?
– Trước dịch cúm kinh doanh có lãi hay không?
– Trong bảng tính lãi lỗ hàng tháng có tính lương của chính mình vô đó chưa?
– Bạn có một tiệm đó thôi hay nhiều tiệm mang cùng một thương hiệu?
Sau đây là lý do mình hỏi những câu hỏi bên trên:
Tiệm mới mở 6 tháng khác với tiệm đã mở 1 năm trở lên. Đối với người có kinh nghiệm trận mạc thì chỉ sau 3 tháng là biết ngay tiệm “có cửa” hay không, nhưng để đánh giá cho chắc ăn, thời gian một năm trở lên là thời gian công việc kinh doanh đã đi vào ổn định. Lúc đó mới có thể đánh giá chính xác được hiệu quả.
Nói đến hiệu quả kinh doanh đối với một business nhỏ như tiệm ăn thì cuối ngày về đếm tiền phải có lãi. Các chuỗi, các tập đoàn lớn nhiều khi kinh doanh chưa có lãi gì nhiều nhưng giá trị công ty vẫn tăng đều đều vì các nhà đầu tư thường thích nhìn vào tương lai xa hơn là hiện tại gần. Hai cuộc chơi hoàn toàn khác nhau.
Nếu tiệm đã hoạt động trước dịch cúm cả năm trời mà chưa có lãi thì sau dịch cúm cơ hội càng trở nên mong manh hơn vì kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng “thắt lưng buộc bụng”. Nên chẳng khác nào một võ sỹ quyền anh đang đứng loang choạng trên võ đài còn bị đối thủ bồi thêm một cú như trời giáng!
Còn nếu trước dịch cúm tiệm đang buôn bán có lãi thì phải nhớ cân nhắc thêm yếu tố xuất lương cho chủ tiệm. Nói cách khác, nếu số tiền lãi đó chỉ bằng tiền lương cho chính mình thì coi như mình đang tự tạo việc làm cho mình.
Trong trường hợp này thì thà đi làm thuê cho người khác còn sướng hơn, chứ làm chủ kiểu này bao nhiêu trách nhiệm nghĩa vụ đè nặng trên vai, có khi đóng cửa tiệm giải thể lâu rồi mà “tàn dư chiến tranh” của thuế má, bảo hiểm, thủ tục pháp lý cứ đằng đẵng kéo dài mệt mỏi.
Cũng có vài trường hợp ngoại lệ để cân nhắc giữ lại một nhà hàng thuộc loại “kinh doanh hiệu quả có giới hạn”. Ví dụ như chủ tiệm không có khả năng hay không muốn đi làm cho ai khác nữa. Hoặc tiệm này cũng có thể đóng vai trò quảng bá thương hiệu, khuếch trương thanh danh của cả một chuỗi, khi đó cửa tiệm có thể được coi như một bảng quảng cáo lớn nằm ngay mặt đường trung tâm sầm uất…
Tóm lại, comment cuối cùng của mình đối với trường hợp anh bạn trẻ chủ nhà hàng tại Sydney như vầy:
Nếu muốn tiếp tục chiến đấu, giữ lại cửa tiệm sau dịch cúm thì phải có một kế hoạch kinh doanh mang tính đột phá, nếu không thì con đường phía trước sẽ đầy chông gai! Một niềm hy vọng nhỏ: Biết đâu sao đợt khủng hoảng này, nhu cầu thị trường tuy có teo hẹp lại nhưng số lượng đối thủ cạnh tranh cũng teo hẹp theo.
Và làm gì thì làm, đừng quên đàm phán, thuyết phục chủ nhà giảm giá hay có những sắp xếp hỗ trợ đặc biệt. Lúc này là lúc ưu thế đàm phán nghiêng về phía người thuê vì không chủ nhà nào muốn rơi vô tình trạng phải đi kiếm người thuê khác trong lúc này. Cộng thêm, Chính phủ Úc đang đứng về phía các doanh nghiệp để kiềm chế tỷ lệ thất nghiệp. Nếu không lầm thì đã có luật cấm chủ nhà chấm dứt hợp động khi người thuê chậm trả tiền nhà lúc này…
Còn nếu muốn “ngừng cuộc chơi” do lợi nhuận lúc đang tốt mà còn không đáng kể thì cũng không phải là một quyết định dở. Thua keo này bày keo khác, hết cuộc chơi này thì còn nhiều cuộc chơi khác không có gì phải hối tiếc.
Quan trọng là phải biết rời con tàu trước khi nó bị chìm quá sâu. Trong kinh doanh không ai đánh giá cao việc thuyền trưởng phải chết chung với con tàu của mình cả, mà ngược lại biết buông bỏ, rời đi đúng lúc mới là cái hay.
Theo anh Lý Quý Trung – Nhà sáng lập chuỗi Phở 24