Sử dụng mẫu đơn xin việc có từ thời ‘xưa ơi là xưa’, khi được gọi đi phỏng vấn thì… ngủ quên hoặc ngại trời mưa. Rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười của ứng viên khiến nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán.
Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, Giám đốc Công ty Việt Thiên Nhiên (TP.HCM), chia sẻ trong suốt nhiều năm tuyển nhân viên đã gặp phải những tình huống cười ra nước mắt.
Ông Tâm kể: Tôi nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc kiểu “hiện chưa có việc làm, tôi làm đơn này xin Nhà nước tuyển dụng và bố trí công việc làm”, kèm theo số CMND, sổ hộ khẩu và sơ yếu lý lịch. Sơ yếu lý lịch thì khai cả “trước 30.4.1975 làm gì, sau 30.4.1975 làm gì?”. Có bạn trả lời “trước 1975 con chưa được sinh ra”…
Sau khi lọc còn 20% hồ sơ thì rất nhiều bạn trẻ được ông Tâm hẹn phỏng vấn đều đến trễ giờ với nhiều lý do kiểu như: em ngủ quên, anh ơi em bị hư xe, anh ơi trời mưa quá nên anh cho em hẹn lại ngày mai nhé…
Chỉ một thao tác tối thiểu là chủ động thông báo lại cho nhà tuyển dụng khi biết mình đến trễ hoặc không đến được, nhưng nhiều bạn trẻ lại vô tâm bỏ qua, coi như không vấn đề gì. Trong đó, có nhiều bạn trẻ khóa máy khiến công ty không liên lạc được luôn, sau đó lại trách móc “tại sao công ty không đợi em?…
Ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm Dân Trí Soft (TP.HCM), chia sẻ: “Sau khi xem CV, video giới thiệu của một ứng viên nữ và sau buổi phỏng vấn, tôi nhận bạn ấy vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng. Khi đến ngày vào làm, bạn ấy đã không đến mà không có bất kỳ thông tin gì. Tôi gọi điện hỏi thăm và nhận được trả lời ’em còn một số việc cần giải quyết nên chưa đi làm được, em ngại nên không gọi điện thông báo đến anh và công ty!’.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Phần mềm Hà Nội, nhận định: “Nhiều bạn trẻ mới ra trường còn thiếu hụt nhiều kỹ năng đơn giản như viết đơn ứng tuyển, giao tiếp, ứng xử cũng như thái độ chưa thực sự nghiêm túc với công việc”.
Cần hoàn thiện kỹ năng
Trước những thiếu hụt về kỹ năng của các bạn trẻ, ông Lê Nguyễn Huy Tâm cho rằng các bạn cần thay đổi tư duy ngay lập tức. Trước tiên, không nên dùng từ “xin việc” mà nên dùng từ “ứng tuyển”, cần đầu tư kỹ thời gian để viết đơn chỉn chu, rõ ràng, thể hiện được năng lực cũng như đam mê, khát khao đối với công việc mình đang hướng tới.
“Các bạn cần tìm hiểu kỹ công việc đó có phù hợp với mình không, nắm rõ doanh nghiệp hoạt động như thế nào, tránh việc lơ mơ, hời hợt không tạo được ấn tượng và cảm tình ban đầu”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Cao Trung Hiếu cho rằng bạn trẻ có thể tận dụng công nghệ để có một bộ hồ sơ ứng tuyển ấn tượng, chẳng hạn sử dụng clip để giới thiệu bản thân thay vì viết một bộ hồ sơ giấy với cái “đơn xin việc” truyền thống.
“Nếu viết đơn ứng tuyển thì các bạn cũng nên tham khảo những mẫu đơn hay có rất nhiều trên mạng, xem họ trình bày ra sao, viết như thế nào cho đúng chuẩn… Những kỹ năng đơn giản mà các bạn không làm tốt thì rất khó hoàn thành công việc sau này”, ông Hiếu nhìn nhận.
Mỹ Quyên
Link gốc: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nhung-cau-chuyen-tuyen-dung-cuoi-ra-nuoc-mat-893571.html