Giao việc là chuyện dễ như bỡn đối với một nhà quản lý? Ai mà chẳng biết giao việc! Nhận và làm thì mới khó chứ giao thì khó gì! Thật vậy không?
Tôi cho rằng, giao việc cũng khó không kém gì nhận việc; thậm chí còn khó hơn, vì đòi hỏi kỹ năng cao hơn!
Thường, khi nói đến giao việc, nhiều người chỉ nghĩ đến việc gọi nhân lên, bảo phải làm gì là xong. Tôi thì hay giao việc theo quy trình… 12 bước! Vâng, 12 bước!
Ai tin thì nghe, không tin thì thôi. Nhưng tôi thấy rất hiệu quả! Các anh chị và các bạn thử xem nhé! Chú ý đừng bỏ qua các mục 5, 6, 9 (hay bị bỏ qua)!
1. Chọn người phù hợp (có năng lực và có đam mê, hoặc chí ít cũng phải yêu thích công việc được giao)
2. Chọn thời điểm phù hợp để giao việc (không chọn lúc căng thẳng, buồn phiền, mệt mỏi…)
3. Chọn không gian phù hợp (không chọn nơi quá ồn ào, nóng bức, có quá đông người chẳng hạn)
4. Giải thích công việc (rõ ràng, cụ thể)
5. NÓI RÕ KỲ VỌNG (mục tiêu cần đạt, kết quả mong muốn…). – bước quan trọng này hay bị bỏ qua!
6. KIỂM TRA LẠI THÔNG TIN (người nhận xác nhận lại những gì mình được nghe) – bước này cũng hay bị bỏ qua!
7. Hướng dẫn sơ bộ cách làm (tùy theo đối tượng, có thể bỏ qua khâu này)
8. Động viên tinh thần người nhận việc
9. NHẮC LẠI MỤC TIÊU VÀ THỜI HẠN (DEADLINE) – bước này cũng hay bị bỏ qua
10. Yêu cầu người nhận trình bày KẾ HOẠCH/LỘ TRÌNH thực hiện (bằng miệng hoặc bằng văn bản tùy theo mức độ phức tạp, tầm quan trọng, tính khẩn cấp của công việc) – bước này cũng ít người dùng
11. Tự mình hoặc cử người theo dõi, giám sát, chấn chỉnh, nhắc nhở, hỗ trợ khi cần
12. Kiểm tra, đánh giá kết quả và khen thưởng, kỷ luật.. (bước này có thể tách làm 2, 3 bước nữa)
Mất bao nhiêu thời gian cho các bước này? Và mất bao nhiêu thời gian (và tiền bạc) để nhân viên làm lại từ đầu vì không hiểu đúng ý? Câu trả lời chắc không khó lắm!
Chia sẻ từ anh Nguyễn Hữu Long – sáng lập group Phát Triển Doanh Nghiệp Việt