Nên học điều gì để đứng dậy nếu bị thất bại ở giai đoạn dịch COVID-19?

Nội dung bài phòng vấn tại chương trình “Gõ cửa thành công” – Đài tiếng nói TP HCM – VOH AM 610Khz. Tôi chia sẻ về “Nên học điều gì để đứng dậy nếu bị thất bại ở giai đoạn dịch COVID-19?”, phần trình bày của tôi từ phút thứ 13 nhé.

Hỏi: Cám ơn anh dành thời gian cho chương trình “Gõ cửa thành công” đang phát sóng trên đài VOH. Đầu tiên xin mời anh giới thiệu về mình cho thính giả nghe đài được biết?

Trả lời:
Chào em và thính giả nghe đài, tôi là Cao Trung Hiếu – hiện là sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, một doanh nghiệp công nghệ thông tin nhỏ có trụ sở ở HCM & hệ thống đại lý có mặt tại 55 tỉnh trên toàn quốc, Dân Trí Soft chuyên làm phần mềm tính tiền dành cho quán café, nhà hàng, quán ăn, quán karaoke, bida, cửa hàng bán lẻ, shop thời trang… Từ năm 2015 cho đến nay DanTriSoft dành tặng phần mềm tính tiền cho quán/shop có quy mô nhỏ & siêu nhỏ, như góp một chút sức lực để hỗ trợ doanh chủ trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh, đến đầu năm 2020 đã có hơn 105.000 doanh chủ trên toàn quốc nhận phần mềm free này. DanTriSoft cam kết sẽ luôn duy trì chương trình tặng phần mềm với mong muốn góp phần nâng cao năng lực quản lý đến doanh chủ Việt để từ đó tăng năng suất và chất lượng lao động, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Và có gần 5.000 quán/shop có quy mô lớn đang sử dụng phiên bản phần mềm bản quyền trả phí với nhiều tính năng cao cấp, đây chính là nguồn tài chính để DanTriSoft tiếp tục nghiên cứu & phát triển phần mềm hữu ích hơn, thiết thực hơn và duy trì chương trình tặng phần mềm free đến cơ sở kinh doanh nhỏ & siêu nhỏ.

Hỏi: Anh nhận định ra sao về tình hình kinh doanh hiện nay?

Trả lời: Có thể nói là vô vàn khó khăn và thách thức cho hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, nhưng tôi vẫn hy vọng doanh chủ Việt sẽ linh hoạt tìm thấy cơ hội trong các nguy cơ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế để vượt qua.

Dịch bệnh COVID-19 có tác động như “cơn sóng thần” quét qua nền kinh tế, chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy, tổng cầu & tổng cung bị suy giảm đột ngột, niềm tin giảm sút trầm trọng chỉ trong thời gian ngắn… tất cả đều vượt qua mọi dự báo về rủi ro. Không chỉ riêng Việt Nam bị ảnh hưởng và gần như mọi quốc gia trên thế giới đều vấp phải một giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng mà chưa biết đến bao giờ dịch COVID-19 mới dừng lại, đến bao giờ kinh tế được phục hồi. Hàng loạt công ty, nhà hàng, quán café, quán karaoke, bida ở khắp mọi tỉnh thành phá sản trả mặt bằng, hay cắt giảm việc làm, giảm lương… khiến doanh nhân khổ não về chi phí, dòng tiền, lãi vay đến bạc cả đầu, còn người lao động thì thu nhập giảm nhanh, cuộc sống bấp bênh. Và vẫn có một số ít doanh nghiệp biết cách tìm cơ trong nguy, linh hoạt thay đổi mô hình hoạt động để cầm cự trong giai đoạn này như cách bán hàng online, giao hàng tận nơi, kinh doanh thêm sản phẩm/dịch vụ phục vụ trong mùa dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn…

Dân Trí Soft làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin – chuyển đổi số nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn này, bởi đó là hiệu ứng domino trong kinh tế. Thử hỏi quán café, nhà hàng, quán karaoke, bida bị đóng cửa, bị phá sản thì ai sẽ sử dụng phần mềm tính tiền Dân Trí Soft cơ chứ!

Hỏi: Thực tế cho thấy, dịch covid 19 đã gây biết bao khó khăn cho kinh tế các nước, anh có ý kiến tháo gỡ những thách thức đang tồn tại hiện nay như thế nào?

Trả lời: Thiết nghĩ, đối diện với khó khăn do dịch COVID-19 gây ra thì mọi doanh nhân/doanh chủ cũng đã tìm mọi cách để tồn tại trong giai đoạn này & dự báo còn cả một giai đoạn dài kỳ phía trước nữa. Không ít doanh chủ đã chọn chiến lược rút lui để giảm thiểu mất mát, nhưng phần lớn là vẫn tìm mọi cách để tồn tại bởi lẽ một doanh nghiệp còn gắn liền với cuộc sống của biết bao con người nơi đây, đó còn là tình người và là tất cả sự nghiệp của người doanh nhân. Do đó việc người doanh chủ nỗ lực tự cứu lấy mình là điều hiển nhiên nên ở đây tôi chỉ nêu những kiến nghị đối với vai trò quản lý của nhà nước mong rằng sẽ tháo gỡ những thách thức cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, doanh nghiệp hiện tại đang thiếu tiền mặt trầm trọng & có nguy cơ phá sản vì không đủ tiền mặt thanh toán nợ cho chủ nợ.
– Doanh nghiệp nào cùng dùng tiền mặt để đầu tư vào định phí như nhà máy, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị… Nhưng nay doanh thu không có, chi phí vẫn phải trả nên tiền mặt suy giảm mạnh và nhanh. Nếu không đủ tiền mặt trả cho chủ nợ thường là ngân hàng, thì doanh nghiệp có thể bị tuyên phá sản vì không thanh khoản. Do đó nhà nước cần có chính sách để tăng lượng tiền mặt cho doanh nghiệp như tạo gói cho vay hỗ trợ với thủ tục nhanh, dùng các kỹ thuật tài chính để giảm lãi suất cho vay, kêu gọi ngân hàng – các tổ chức tài chính cùng chung tay giải cứu tiền mặt cho doanh nghiệp.
– Tiếp theo nhà nước đưa ra chính sách chậm nộp/giãn nộp như thuế, phí, bảo hiểm…để doanh nghiệp có ngay tiền mặt mà xoay sở.
– Có chính sách áp đặt đến những lĩnh vực độc quyền để giảm giá bán cho doanh nghiệp trong giai đoạn này như ngành điện, xăng dầu, nước…, từ đó giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, doanh chủ không ai muốn sa thải nhân sự cả nên hãy giúp doanh chủ duy trì nhân sự, cụ thể:
– Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở mức tối thiểu, để người lao động đủ sức khỏe tài chính trong thời điểm khó khăn này.
– Giảm, giãn các khoản thuế/phí người lao động phải đóng góp ở giai đoạn này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

Hỏi: Theo đó nên học cách gì để đứng dậy sau thất bại?

Trả lời: Theo tôi, tốt nhất là đừng để thất bại, cực chẳng đã mới phải chấp nhận thất bại. Nhưng nếu rơi vào cảnh phải chấp nhận thất bại thì hãy giữ vững một niềm tin “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, hãy xem thất bại lần này là bài học kinh nghiệm sâu sắc để lần sau đứng lên mạnh mẽ hơn. Và chia sẻ thêm, Dân Trí Soft là lần khởi sự thứ 5 của tôi rồi đấy, 4 lần trước từ 2009 đến 2015 tôi đã chấp nhận thất bại. Một điều mà bạn bè tôi hay hỏi “Không hiểu mày lấy năng lượng từ đâu mà mỗi lần thấy mày khởi sự kinh doanh lại đều mạnh mẽ hơn” – Tôi chia sẻ đó là niềm tin ở bản thân, ở giá trị và mục đích sống & thêm nữa tôi luôn áp dụng cách khởi nghiệp tinh gọn “lean startup” để nếu có rủi ro phá sản thì hậu quả để lại không khiến tôi phải gục ngã vĩnh viễn được.

Trong kinh doanh tôi có tâm niệm “mất tiền là mất chỉ một, mất uy tín là mất đến mười và mất niềm tin là mất tất cả”. Nhờ áp dụng tâm niệm này mà mỗi lần tôi khởi sự lại đều được bạn bè, khách hàng, đối tác cũ tin tưởng sử dụng và giới thiệu rộng rãi.

Và thêm nữa, quản lý kinh doanh là việc học cả đời, học từ sách vở, học từ người đi trước/thầy cô, học từ cuộc sống… nên đã xác định con đường khởi nghiệp thì đòi hỏi năng lực học hỏi liên tục, nhờ đó tạo nên nền tảng tư duy, rồi áp dụng hiệu quả vào công việc. Ví dụ tại giai đoạn dịch COVID-19 này, DanTriSoft cũng như nhiều doanh nghiệp khác cũng giảm tăng trưởng, giảm doanh thu, cũng thiếu tiền mặt… nhưng nhờ có chiến lược khởi nghiệp tinh gọn lean startup, áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ sharing economy mà rủi ro được giảm ở mức thấp nhất nên tình cảnh của DanTriSoft vẫn duy trì được ở mức bình thường.

Cuối cùng kính chúc doanh chủ Việt Nam luôn giữ được “thân khỏe – trí sáng – tâm an”, một sức khỏe tốt trong một cơ thể giàu năng lượng, một trái tim giàu lòng nhân ái và giữ vững trí tuệ sáng ngời. Mọi chuyện rồi sẽ qua, cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, khó khăn mấy rồi cũng kết thúc bởi “sau cơn mưa trời lại sáng” hãy giữ vững niềm tin ở bản thân nhé.

www.CaoTrungHieu.com | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 28/03/2020