Nếu mặt bằng đó là của bạn thì bài viết này không có ý nghĩa, còn nếu bạn thuê mướn mặt bằng/nhà để mở quán cà phê thì đây là một số lưu ý khi làm hợp đồng thuê mướn để tránh hậu quả đáng tiếc về sau.
Thứ nhất, bên chủ thuê ai là người chịu trách nhiệm với hợp đồng (có toàn quyền, là chủ nhân thực sự)? Người đó có thực sự là chủ tài sản cho thuê không? Mình từng dính kinh nghiệm cùng nhóm anh em thuê nhà trên phố cổ, lúc team trao đổi thì gia đình nhà bên kia cũng 3 người (bố và 2 con). Ông bố trong buổi nói chuyện lúc nào cũng bảo tôi cho 2 thằng con tôi quyết, tôi già rồi không biết gì … bla …bla… Mấy anh em trẻ nói chuyện với nhau thì cũng thấy hợp, vả lại chủ nhà cũng từng làm chức đến vụ phó, cũng có vẻ uy tín có thừa… Thế là chốt hết mọi thứ xong xuôi. Rồi đặt cọc xong để chốt ký hợp đồng.
Đến lúc ký hợp đồng thì ôi thôi ông chủ nhà biến thành một người khác, tinh quái, ranh mãnh và ăn người, deal lại khá nhiều điều khoản vì “nhà này là nhà của chú, mấy thằng con chú biết gì đâu, chú là người quyết định cho thuê”…bla….bla… Lúc này nếu không deal được thì xem như tiền đặt cọc một đi không quay trở lại nhé, chú ấy có quyền lực ở đây cơ mà. Và sau này phát sinh ra điều gì bất lợi thì lại đẩy con ra với bài “cháu làm việc với con chú, chú cũng không biết gì nên tụi con phải làm việc theo ý của chú”.
Bài học nhớ đời: Cứ yêu cầu chủ nhà đưa giấy tờ chứng minh mình là chủ sở hữu tài sản ra (sổ hồng, sổ đỏ, giấy tờ nhà). Và khi làm việc thì chỉ làm với duy nhất với người đó để thống nhất các điều khoản là tốt nhất, những người khác đừng có bận tâm làm gì cho mệt óc.
Bạn lưu ý bạn chỉ có quyền lực khi bạn chưa xuống tiền đặt cọc, còn xuống tiền đặt cọc mà chưa có hợp đồng rõ ràng thì nguy cơ là cao, vì vậy tốt nhất cần có hợp đồng rõ ràng từ đầu, đàm phán đến đâu ghi ngay đến đó. Sau này có việc gì thì cũng có thể nhờ pháp luật can thiệp nhé.
Thứ hai, nếu chủ nhả đồng ý cho sửa sang điều gì thì ưu tiên làm luôn cho thật nhanh. Chủ nhà thì rất thích nhà phải “nguyên trạng”, trong khi cái nguyên trạng của chủ nhà đôi khi không thể phù hợp với việc kinh doanh. Mà đôi khi vì máu quá thuê cho nên người thuê hay bị trao đổi miệng với chủ nhà về việc sửa sang chỗ này chỗ nọ… Thực tế thì các phần sửa sang này nếu được thì cho hết vào hợp đồng. Nhưng đôi khi bắt tay vào sửa thì mới phát sinh ra việc phải sửa thêm chỗ nọ chỗ kia. Lúc đó thì trao đổi thêm với chủ nhà và nếu được thì phải cho sửa thật nhanh. Vì có những điểm chủ nhà đã đồng ý cho sửa rồi nhưng vì không sửa luôn và sau đó chủ nhà cũng nghĩ lại thế nào đó nên đổi và không cho sửa nữa… lúc đó thì mình cũng không được việc và mang thêm bực tức vào người…
Thứ ba, bạn chỉ chủ động trước khi xuống cọc… Cho nên các điều khoản khó ăn, khó nhằn cần phải deal vào lúc này: cọc bao nhiêu tiền, điều kiện trả lại cọc, thuê nhà trong bao lâu, thanh toán mấy tháng một…. mấy cái điều khoản dạng “được ưu tiên cho thuê tiếp khi hết hợp đồng” thực ra khá vô nghĩa, có thể vứt bỏ vì nó không thực dụng. Quan trọng là điều khoản “chủ nhà đền bao nhiêu nếu đòi trả nhà trước hạn thuê”. Bạn đã đầu tư rất nhiều tiền vào cơ sở vật chất và rất nhiều đồ đã được chỉnh sửa cho mặt bằng đó, đừng để mấy cái điều khoản “báo trước mấy tháng” dành cho cả 2 bên, bạn sẽ là người chịu thiệt… Nói thẳng, nhiều chủ quán đã tán gia bại sản vì chưa kịp thu hồi vốn thì gặp tình trạng chủ nhà giỡ quẻ “khôn ranh” đấy nhé.
Quan hệ người thuê với chủ nhà là đối tác, không phải xin cho, thời buổi kinh tế khó khăn thế này mặt bằng sang, mặt bằng cho thuê ngày càng nhiều. Mình là đối tác sắp “toang đến đít” mà chủ nhà bình chân như vại, vẫn tăng giá đều đều thì không phải là đối tác tốt, khó kết hợp lâu dài, cân nhắc hết hợp đồng là “ù biến thôi” hoặc cắt lỗ sớm thôi cho nó lành, vì càng ôm cái mặt bằng đó là càng chết đấy…
Chia sẻ từ một chủ quán đi thuê nhiều lần, trả giá cũng nhiều và mong bạn không vấp phải sai lầm