Dịch Covid-19 tiếp tục mang đến những khó khăn, thách thức đối với người trẻ như: giảm lương, thất nghiệp… Làm thế nào để vượt qua khó khăn này?
Không biết gồng được đến khi nào…
Nói về tác động kinh khủng của dịch Covid-19 tới bản thân và bạn bè mình, Trần Triều, chủ một thương hiệu hoa tươi tại TP.HCM, chia sẻ: “Hôm trước có một người bạn của tôi là chủ một doanh nghiệp du lịch, ngồi trầm ngâm và cuối cùng chỉ nói một câu đắng nghét: Chắc không gồng thêm được, sẽ tuyên bố đầu hàng trong tháng này. Cậu em chủ quán mấy hôm nay nhìn cái quán đầy ắp bàn ghế, đầy ắp nhân viên với nỗi lo phải đóng cửa, cảm giác muốn “khóc ra máu”. Nhìn những con phố với hàng loạt mặt bằng ế chỏng, không ai thuê là biết nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, cửa hàng phá sản rồi. Còn rất nhiều người bạn của tôi đang mất ăn mất ngủ vì doanh thu sụt giảm, phải gồng nhưng không biết gồng được đến khi nào. Bản thân doanh nghiệp của tôi cũng điêu đứng vì dịch”.
Trần Triều kể khi kinh tế thấm đòn Covid-19, người ta sẽ cắt chi phí xa xỉ đầu tiên, vì thế sức mua giảm. Trước dịch, doanh thu là 500 triệu đồng/tháng, khi có dịch con số này giảm 50%. Dù vậy, Triều vẫn quyết tâm không giảm chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu và phục vụ trọn vẹn khách hàng đã tin yêu mình.
“Mặt bằng được giảm 20% nhưng không thấm vào đâu. Để tiếp tục, mình phải giảm chút nhân sự, động viên anh em cùng gánh vác cho qua khó khăn. Nhưng mỗi lần khó là mỗi lần có thêm sức mạnh để vượt qua, chỉ cần lạc quan và luôn nhìn về phía trước. Ngoài kia, biết bao nhiêu người cũng đang bị mất việc, hoặc bị giảm lương, cuộc sống của không ít người trở nên khốn đốn. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ tích cực, lạc quan lên khi còn công việc để làm, khi còn đồng lương để trang trải dù ít ỏi hơn trước”, Triều nhìn nhận.
Nguyễn Thị Oanh là nhân viên lễ tân cho một khách sạn ở TP.Quy Nhơn (Bình Định). Oanh bị nghỉ việc từ đợt dịch thứ 3 do không có khách. “Thời gian này, em phải lên Facebook bán quần áo để có thu nhập, chờ đợi hết dịch để được khách sạn gọi đi làm trở lại. Nhưng em thấy tình hình ngày càng khó khăn, khách sạn thì nhiều mà người đi du lịch thì ít, dịch thì không biết bao giờ mới hết”, Oanh tâm sự.
Cần chọn lối sống tối giản
Ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, nhìn nhận: “Khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề và rơi vào chu kỳ suy thoái, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài sự suy thoái ấy. Hiện có hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực khi lương giảm, ít việc làm và thậm chí rơi vào cảnh thất nghiệp. Chưa bao giờ tình trạng việc làm khó khăn đến vậy và dự báo có thể còn kéo dài khi mà nền kinh tế chưa được phục hồi. Vì vậy, việc cạnh tranh trong lực lượng lao động ngày càng khốc liệt hơn”.
Không nên dừng lại để chờ khó khăn đi qua
Su Nguyễn, chủ một thương hiệu nội y ở TP.HCM, vẫn luôn giữ vững doanh thu trong 2 năm nay. Su cho rằng dịch Covid-19 làm thế giới biến động và thay đổi nên mỗi cá nhân cũng nên chọn cho mình tâm thế sẵn sàng thay đổi và thích nghi để vượt qua những thách thức phía trước. Đồng thời phải luôn sáng tạo, nâng cấp năng lực để tốt hơn ngày hôm qua.
“Chúng ta không nên dừng lại chờ khó khăn đi qua, thay vào đó hãy thử thay đổi cách làm, cách tiếp cận mới”, Su Nguyễn chia sẻ.Theo ông Hiếu, ở giai đoạn này, bạn trẻ hãy chủ động tìm kiếm các cơ hội việc làm, đừng trói chặt vào những quan niệm cố hữu của xã hội mà hãy mở rộng tư duy về việc làm, không dừng lại theo lối suy nghĩ hẹp là học gì phải làm cái đó. Trong lúc tài chính eo hẹp, bạn trẻ cần cắt giảm những chi phí chưa cần thiết, tránh rơi vào tình huống cạn kiệt.
Theo PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, để duy trì được cuộc sống khó khăn thời dịch bệnh, bạn trẻ cần chọn lối sống tối giản. “Nếu được, các bạn nên tự trồng trọt rau củ ăn, có rất nhiều phương pháp trồng rau củ tại nhà, có thể tận dụng sân thượng, ban công…, vừa sạch lại không tốn kém. Mua sắm đồ ăn thức uống hay các đồ dùng sinh hoạt, quần áo… luôn vừa đủ, tránh lãng phí. Đối với sinh viên vừa tốt nghiệp, trong giai đoạn này có được việc làm là tốt, không nên kén chọn. Các bạn trẻ chưa có gia đình thì tranh thủ đầu tư học thêm kiến thức, các kỹ năng còn yếu. Có thể tự học, học trực tuyến để tiết kiệm. Và nhất định phải tranh thủ thời gian tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần lạc quan”, tiến sĩ Tình lưu ý.
Đối với Nguyễn Thu Hương, nhân viên marketing tại một công ty bảo hiểm nhân thọ có trụ sở Q.1 (TP.HCM), dịch Covid-19 đã làm tinh thần làm việc của Hương và đồng nghiệp giảm đi rất nhiều. Lo sợ điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, Hương và đồng nghiệp đã đưa ra ý tưởng về việc thử thách tập thể dục tại nhà mỗi sáng và quay clip gửi lên nhóm, có thưởng và phạt để mọi người vừa rèn luyện sức khỏe, vừa có những hoạt động được thực hiện cùng nhau.
“Đồng thời, mỗi tuần tụi mình sẽ có 2 đến 3 buổi chia sẻ về tâm tư tình cảm, những khúc mắc khi làm việc trực tuyến để mọi người hiểu nhau hơn. Cảm giác của mình lúc đó là thấy hào hứng và có động lực hơn rất nhiều”, Hương kể.
Về kinh nghiệm quản lý tài chính, Hương cho biết ngay từ đầu khi có dịch, Hương đã có kế hoạch tiết kiệm để đề phòng trường hợp bị giảm lương hay thậm chí bị cho thôi việc. “Ít nhất phải có khoản tiết kiệm để chi tiêu trong 3 tháng nếu rủi ro xảy ra, nếu không bạn sẽ hoảng loạn và mất tinh thần, không thể xoay xở. Vì thế, khi còn có lương, đừng chi tiêu một cách vung tay quá trán mà cần xác định đâu là thứ mình thật sự cần, đâu chỉ là nhu cầu tức thời”, Hương chia sẻ.
Mỹ Quyên
Link gốc https://thanhnien.vn/gioi-tre/gong-minh-vuot-qua-dich-covid-19-1390779.html