Lo lắng vì nạn bạo lực học đường, nhiều bậc phụ huynh cho rằng phải cho con học cách tự vệ ngay từ nhỏ trước khi chờ đợi nhà trường và giáo viên bảo vệ con mình.
Nếu con có võ hoặc bạn con có tinh thần võ sĩ…
Ông Cao Trung Hiếu, (Giám đốc điều hành công ty Dân Trí Soft) nhìn nhận: “Theo tôi, vụ việc nhóm học sinh lớp 9 trường THCS ở Hưng Yên đánh dã man, lột quần áo, đạp đầu, giật mạnh tóc một bạn cùng lớp ở ngay tại lớp học trước sự chứng kiến của các bạn học khác, nhưng không ai can ngăn là một điều kinh khủng. Còn kinh khủng hơn nữa khi giáo viên chủ nhiệm lấp liếm, bao che. Nguyên nhân gốc rễ là thời nay ít trường nào vừa dạy vừa làm gương rằng ‘đạo đức là cái cốt lõi của mỗi con người’. Mà ai ai cũng phải chạy theo bệnh thành tích, bệnh dối trá”.
Ông Hiếu kêu gọi các bậc phụ huynh hãy cho con mình học cách tự vệ, học võ thuật. “Tôi học võ thuật từ năm lớp 10 và những bài học về đạo đức của các thầy dạy võ mà tôi được học đều được khắc ghi sâu vào trong nhận thức như ‘học võ thuật là để phòng thân và bênh vực người yếu thế’, ‘học võ thuật là lấy nhẫn nhịn làm đầu’,… Nếu trong lớp học kia có một cậu bé được học võ và có tinh thần của võ sĩ chân chính thì đâu xảy ra câu chuyện đau lòng như vậy”, ông Hiếu chia sẻ.
Bớt một giờ học để tập thể lực
Trong khi đó, nhà báo Hoàng Anh Tú (báo Sinh viên Việt Nam) đang sống sở Hà Nội, cho rằng phụ huynh hãy cho trẻ tập thể lực nếu như không học võ. “Bớt một giờ học tiếng Anh, thêm một giờ tập thể dục vì đám bắt nạt không dùng tiếng Anh nói chuyện đâu. Phụ huynh cũng nên dạy trẻ sinh mạng là trên hết. Tránh xa những rắc rối và những đứa bạn hay nói chuyện đánh nhau, bạo lực hoặc thích gây sự với các bạn bè khác. Khi gặp đám côn đồ, đừng tỏ ra sợ hãi, khép nép nhưng cũng đừng tỏ ra ta đây không sợ. Hãy bình tĩnh nhất có thể. Nói chuyện khiêm tốn, vừa phải, không thách thức, sẵn sàng nhận thua, xin lỗi và rút lui kịp thời. Mềm mỏng là cách làm nguội cơn giận của người khác”.
Ông Tú còn khuyên trẻ hãy bỏ chạy để tránh một trận ẩu đả, nhắm hướng đông người mà chạy, chạy vào những nơi như nhà hàng, quán cafe, công sở, ngân hàng… nếu không tìm thấy đồn công an.
Và điều quan trọng nữa, theo ông Tú, khi bị bắt nạt, đe dọa hay bất cứ khi nào thấy có dấu hiệu có những kẻ muốn đánh mình cần phải nói sớm nhất có thể với cha mẹ hoặc thầy cô, không nên sợ mà giấu.
Cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu con bị bắt nạt
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trường khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Một đứa trẻ bị bạn bè chèn ép, bắt nạt thường có những dấu hiệu như lo lắng, sợ hãi, sống khép kín, không muốn đi học. Ngoài ra, trẻ thiếu tự tin khi giao tiếp. Nếu bị bạn đánh thì sẽ để lại những dấu vết như thâm tím ở mặt mũi, tay chân. Nếu nhận thấy con mình có những biểu hiện trên, phụ huynh nên theo dõi và gợi chuyện, tạo niềm tin để con chia sẻ, kể sự thật. Từ đó tìm cách giải quyết”. Theo tiến sĩ Điệp, cha mẹ hãy cho con biết con luôn được bảo vệ, vì thế không nên giấu giếm vì sợ hãi.
Nhà báo Hoàng Anh Tú mong muốn trường học xây dựng môi trường lành mạnh, phải khiến mỗi học sinh nhận thức được đâu là những hành vi bạo lực học đường, đâu là những điều các con không được phép làm. Nó là những nguyên tắc cần được giám sát – bám chặt và liên tục chứ không phải mời chuyên gia về một vài bận cho có hoạt động.
“Tôi vẫn ao ước trường nào cũng có những ‘hốc cây giữ điều bí mật’. Ở đó, mọi tâm sự của các con đều được lắng nghe, đều được tư vấn, đều được giúp đỡ, đều được chia sẻ. Và cuối cùng, chính cha mẹ và thầy cô phải là những người quán triệt nói không với bạo lực, bạo hành”, ông Tú tâm tư.
Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên