Cử nhân chạy xe ôm: Lỗ hổng từ nhiều phía

Theo các chuyên gia, sự gia tăng đội ngũ cử nhân chạy xe ôm là một hiện tượng xã hội mới, không ổn đối với nền giáo dục và sự phát triển của xã hội. Thực tế này buộc phải nhìn lại từ công tác đào tạo, tuyển dụng đến kỹ năng thích ứng của người lao động…

Doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo

Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia tư vấn và giảng dạy về đổi mới sáng tạo, chỉ ra các nguyên nhân: “Lỗi thứ nhất là do Bộ GD-ĐT và hệ thống các trường ĐH không thật sự nghiêm túc quy hoạch cung cầu dự báo nguồn nhân lực trong ngắn hạn và dài hạn. Mở trường, mở ngành tăng chỉ tiêu giáo dục đào tạo tràn lan đã tạo ra nguồn cung dư thừa ở một số ngành nghề. Thứ hai, giảng viên không làm tròn vai trò giáo dục định hướng việc làm cho sinh viên (SV)”.

Trong khi đó, Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng hiện tượng xã hội này không chỉ diễn ra tại VN. Ở Mỹ, năm 2013, số liệu của Ngân hàng Dự trữ liên bang New York (đăng trên báo Washington Post) cho thấy trong năm 2010, chỉ có 62% SV tốt nghiệp ĐH có công việc đòi hỏi bằng ĐH. Theo Giáo sư Thành, vấn đề quan trọng là tìm hướng ra như thế nào.

Giáo sư Thành cho rằng cách giải quyết căn bản, gốc rễ nhất là có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) vào chương trình đào tạo. Ở Mỹ, cứ 2 năm, tất cả các ngành phải đánh giá chương trình đào tạo và cập nhật lại. Một số lớp phải bỏ đi, môn học phải cập nhật mới. Không thể một giảng viên như một thợ dạy, mang giáo trình 5 – 10 năm trước, lúc họ làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đi dạy được.

DN cần được tham gia góp ý vào chương trình đào tạo của trường để trường thay đổi theo hướng cập nhật yêu cầu mới nhất của thị trường lao động.

Trong một cuộc tọa đàm diễn ra tại TP.HCM gần đây, nhiều DN đề nghị có sự tham gia vào chương trình đào tạo của trường ĐH. Theo tiến sĩ Đinh Quang Nương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng, hiện nay việc truyền đạt tri thức, nội dung thực hành của trường ĐH đến SV hơi trễ. Ông Nương cho rằng cần phải để SV thực tập ngay từ năm đầu tiên. Ngoài ra, DN chính là nơi sử dụng lao động nên cũng cần được tham gia vào trường để xây dựng nội dung đào tạo để SV ra trường mới thích hợp với nhu cầu DN đặt ra.

Bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lê Bảo Minh, đề xuất trường ĐH nên có bộ phận đào tạo SV để thực hiện nhu cầu liên kết sử dụng nhân sự của DN. Trường ĐH cần đào tạo SV thật chuyên nghiệp và cung cấp theo hợp đồng với DN. Đó là cách kết nối bền vững và lâu dài, phù hợp cho cả DN và nhà trường.

Theo bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch Trường ĐH Fulbright VN, sự lệch pha giữa trường học và DN là điều mà bộ phận đào tạo của trường nhận ra. Khi bắt đầu chương trình cử nhân từ năm 2018, trường sẽ áp dụng chính sách SV và DN trở thành người “đồng kiến tạo”. Chương trình, phương pháp giảng dạy của trường sẽ không cố định. Một bài học, SV có thể góp ý cho giảng viên thêm những vấn đề mà mình cảm thấy cần thiết. Ngoài ra, DN, nhà tuyển dụng cũng sẽ cùng kiến tạo với nhà trường. Họ sẽ có ý kiến về cách đào tạo làm sao cho phù hợp với công việc và trường sẽ lắng nghe, thay đổi.

Không chỉ là chuyện thiếu việc làm

Theo nhiều chuyên gia, có sự mất cân đối nhu cầu nhân lực nhưng chỉ ở một số ngành nghề, và không phải đó là lý do duy nhất khiến SV ra trường thất nghiệp.

Bà Mai Thúy Hằng, Giám đốc giải pháp nhân sự Công ty Navigos Search, thông tin: “Có rất nhiều DN mới thành lập hoặc hoạt động trong ngành dịch vụ cũng có nhu cầu tuyển dụng nhưng hầu hết bạn trẻ đều không mặn mà vì cho rằng thiếu ổn định nên DN tuyển rất khó”.

Trong khi đó, ông Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành một công ty phần mềm tại TP.HCM, cho biết công ty của ông hoạt động theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn nên không có văn phòng lớn, đội ngũ nhân viên ít và không quảng bá rầm rộ nhưng chính sách lương và phúc lợi nhân sự tốt. Thế nhưng khi thông báo tuyển dụng thì SV mới tốt nghiệp thường chê văn phòng nhỏ, công ty không danh tiếng… nên rất khó khăn trong việc tuyển nhân sự. “Điều đó tạo độ vênh khiến tình trạng thất nghiệp tại VN ngày càng tăng, còn DN thì than thở không có nhân lực”, ông Hiếu nói.

Cùng trong hoàn cảnh trên, Tổ chức Business Matching VN cần tuyển một vị trí toàn thời gian lương 5 triệu đồng/tháng, được cấp máy tính và một số chế độ ưu đãi khác… nhưng cũng không tuyển được người.

Ông Vũ Tuấn Anh nhận định hiện tượng SV chê việc kiểu này diễn ra nhan nhản do không ít bạn trẻ quan niệm phải làm việc ở các DN lớn, thuê văn phòng hoành tráng thì mới xứng đáng với tấm bằng cử nhân. “Hiện tại có hàng trăm ngàn công việc trong DN nhỏ và vừa, trong DN khởi nghiệp. Vấn đề là nhận thức của các bạn về nghề nghiệp có đúng đắn chưa, có chịu lương thấp trước để trải nghiệm và nuôi dưỡng giá trị nghề nghiệp lâu dài hay không?”, ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Nguyễn Hương, phụ trách nhân sự Công ty Hot Deal, cho biết: “Khó khăn này còn là do bản thân SV. Thật sự tôi vẫn chạy tuyển dụng mà không ra người mặc dù các vị trí ghi rõ là tuyển SV mới ra trường. Vì các bạn không thèm làm”.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần phần mềm Hà Nội, kể: “Tôi gặp một ứng viên vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của một trường ĐH. Qua một số câu hỏi, tôi thấy tư duy của bạn quả thực chỉ phù hợp với nghề… lái xe ôm. Công việc mà chúng tôi tuyển dụng, tất yếu là khó và vất vả hơn nhiều so với nghề xe ôm. Trong khi đó, các bạn lại bị lầm tưởng về nghề nghiệp đồng thời khi bước chân vào nghề, không làm được việc thì lại thiếu kiên nhẫn, không chịu được sức ép nên muốn chuyển sang nghề ít áp lực hơn”.

Sinh viên cần chủ động
Bản thân SV nên chủ động trước, đừng đòi hỏi nhà trường. DN cần thấy SV chủ động, chứ không phải kinh nghiệm. Kinh nghiệm có thể đào tạo theo thời gian, nhưng thái độ là quan trọng nhất. Muốn xin được việc trong môi trường bây giờ cần nhiều yếu tố chứ không phải chỉ ngồi 4 năm trên giảng đường là được. Chỉ nói đến yếu tố mà mình có thể làm được (không tính quen biết, quan hệ, tiền bạc) thì bản thân SV đã phải trau dồi tốt tiếng Anh, có vài kinh nghiệm lẻ lúc còn đi học, thái độ phỏng vấn tốt…
Ngọc Châu (chuyên phỏng vấn tuyển dụng Công ty truyền thông River Orchid VN)

Thu nhập trong xã hội có vấn đề
Đây là tình trạng chung khi mà công việc này được coi là khá nhẹ nhàng với đa số bạn trẻ, không phải suy nghĩ, không phải lao động nặng, thu nhập so với đa số ngành nghề khác còn cao hơn. Điều này chỉ phản ánh được vấn đề lớn nhất là thu nhập trong xã hội VN hiện tại đang có vấn đề, khi mà một người không cần bằng cấp gì, không cần kỹ năng gì, lại dễ dàng kiếm được việc có mức thu nhập cao hơn cả những người phải mất công học tập. Tuy nhiên, cái lo là 10 năm, 20 năm sau này, khi mà các công ty thay máu, cho lực lượng lao động hiện tại ra rìa, thì lúc đó những người đấy biết làm gì để sống.
Đinh Tuấn Long (Viện ĐH Mở Hà Nội)

Đăng Nguyên – Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên
Link gốc: http://thanhnien.vn/gioi-tre/cu-nhan-chay-xe-om-lo-hong-tu-nhieu-phia-870896.html