Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo sự thay đổi của rất nhiều ngành nghề, tư duy làm việc cũng như sắp xếp lao động. Thế nhưng theo các chuyên gia, nhóm ngành kỹ thuật công nghệ vẫn chiếm lĩnh vị trí đầu.
Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo lên ngôi
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhấn mạnh trong nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ, thì công nghệ thông tin (CNTT) vẫn chiếm vị trí số 1 trong thời đại công nghiệp 4.0. Theo đó, các xu hướng phát triển mạnh mẽ bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng thông minh, kỹ thuật số, công nghệ đám mây…
Từ đây sẽ xuất hiện các ngành nghề mới chú trọng đến tính chuyên sâu, khả năng ứng dụng trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật. “Xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế cũng hình thành các nhóm ngành mới như quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gien… Tất cả các nhóm ngành mới này đều đã hoặc sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2017 – 2020 và 2025”, ông Tuấn cho biết.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực TP.HCM đến năm 2020 và những năm sau đó, TP.HCM ưu tiên phát triển nguồn lao động cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp chủ lực. Đó là cơ khí chế tạo chính xác – tự động hóa, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế và hóa chất – hóa dược – mỹ phẩm. Nếu tổng số nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm khoảng 270.000 thì các nhóm này chiếm 17%, khoảng 45.900 lao động.
Nhìn nhận về xu hướng ngành nghề mới, PGS-TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết internet vạn vật (IoTs) chính là nền tảng của công nghiệp 4.0. Nó cách mạng hóa các thiết bị từ bình thường sang “thông minh” thông qua việc ứng dụng và tích hợp thêm các cảm biến, bộ truyền động và công nghệ truyền dữ liệu trên các thiết bị này.
Học gì để đáp ứng?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra cho thấy sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa CNTT với máy móc, robot để tạo ra phương thức làm việc mới có năng suất lao động vượt trội. Robot, trí thông minh nhân tạo, in 3D, thực tế ảo… là những thành tựu con người đã, đang và ngày càng hoàn thiện hơn.
Ông Cao Trung Hiếu, Giám đốc Công ty giải pháp phần mềm Dân Trí Soft, nhìn nhận: “Lĩnh vực CNTT chắc chắn có nhu cầu lao động rất cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Công nghệ nói chung và CNTT nói riêng có tốc độ thay đổi cực cao, mới hôm qua công nghệ A được xem là cực đỉnh thì hôm nay có thể một công nghệ mới tên B sắp ra đời, đầy hứa hẹn chỉ từ một cái gara hay thung lũng startup nào đó… Vì vậy, kỹ năng quan trọng với người học ngành CNTT là kỹ năng học hỏi liên tục, tự đổi mới sáng tạo, có như vậy mới hy vọng không bị tụt hậu bởi một thế giới thay đổi ngày càng nhanh”.
Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng bộ phận tư vấn nhân sự của Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Harvey Nash VN, cũng cho rằng khoa học máy tính, khoa học cơ bản, tự động hóa… với những mảng chuyên sâu sẽ vô cùng cần thiết trong thời gian tới. “Chúng ta cần những người giỏi về toán học, vật lý, CNTT, công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn… để sản xuất chip, phát triển điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật… Hiện nay tại VN, những ngành học này đều đã được đào tạo nhưng vẫn chưa sâu, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Do đó, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, nhấn mạnh ngoại ngữ là yếu tố cực kỳ quan trọng để người lao động có thể tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Mỹ Quyên
Báo Thanh Niên
Link gốc: https://thanhnien.vn/giao-duc/chon-nganh-hoc-don-dau-40-vai-tro-quyet-dinh-cua-nganh-ky-thuat-cong-nghe-917702.html