Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh nếu có những biện pháp nhanh chóng, phù hợp thì các đơn vị kinh doanh sẽ hạn chế những tác động tiêu cực của khủng hoảng, để tiếp tục duy trì hoạt động và sớm phục hồi, phát triển khi dịch bệnh qua đi.
Các việc làm dưới đây ngay cả khi trong thời kỳ rực rỡ thì cũng phải liên tục thực hành, tuy nhiên ở giai đoạn này cần người doanh chủ phải có hành động quyết liệt hơn, có như vậy thì mới biến nguy thành cơ, để rà soát lại các hoạt động kinh doanh cũng như thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
1. Giảm chi phí: nguyên tắc chung là rà soát lại tất cả các loại chi phí hoạt động để xem xét cắt – giảm.
* Chi phí thuê mướn mặt bằng/văn phòng: đây là khoảng chi phí chiếm tỉ trọng không nhỏ, hãy xem xét việc đàm phán lại với người chủ cho thuê về việc giảm một phần tiền thuê trong giai đoạn dịch bệnh này, hoặc giãn thời gian thanh toán khi qua mùa dịch lúc kinh doanh tốt hơn…, kể cả xem xét việc chuyển sang nơi khác có chi phí hợp lý hơn (cần cân nhắc bài toán lợi/hại).
* Chi phí mua hàng: hãy thảo luận với nhà cung cấp để giúp nhau vượt qua khó khăn như việc giảm giá, điều này là khó vì nhà cung cấp cũng đang gặp khó khăn tương tự nên cần thấu hiểu cho nhau, hay là giãn thời gian thanh toán, chia nhỏ ra nhiều lần thanh toán… để duy trì dòng tiền mà cầm cự. Trong lúc khó khăn này sẽ nhận đâu là đối tác tin cậy và đâu là đối tác ngắn hạn.
* Chi phí sản xuất: tính toán lại bài toán tối ưu sản xuất, tăng năng suất & chất lượng sản xuất kể cả thay đổi hệ thống hay phương pháp sản xuất để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đề ra.
* Chi phí điện, nước: thường doanh chủ nào cũng cho rằng tổ chức đã có ý thức và hành động rất tốt trong việc tiết kiệm điện nước nhưng lần này hãy rà soát lại & truyền thông, giám sát hơn nữa nhé. Và hãy suy nghĩ đến những giải pháp tiết kiệm điện nước hơn nữa, ví dụ chuyển sang đèn tiết kiệm điện, lắp thiết bị tiết kiệm nước… và dĩ nhiên cũng cần cân đối chi phí để tránh tình trạng thay thế đầu tư quá tốn kém mà hiệu quả thì thấp.
* Chi phí văn phòng phẩm: đây cũng là một loại chi phí đáng kể đấy, vì là những việc lặt vặt diễn ra hàng ngày nên việc tiết kiệm phải xuất phát từ mỗi người và nên có quy định rõ về hình thức phạt khi gây ra lãng phí.
* Chi phí tiền lương: giảm nhân sự là việc làm cuối cùng mà người doanh chủ nghĩ đến, mà thay vào đó hãy nghĩ cách để nhân sự đồng hành cùng người doanh chủ vượt khó như các hình thức tăng thời gian nghỉ, cho nghỉ luân phiên, giảm lương…
* v.v..
CHIA SẺ CỦA CAO TRUNG HIẾU TRÊN SAIGON FM
2. Tăng doanh thu:
* Việc bán hàng offline trực tiếp sẽ bị ảnh hưởng nhiều vì khách hàng có ý thức ngại tiếp xúc đám đông trong mùa dịch bệnh, do đó với cửa hàng/showroom/shop/văn phòng ở giai đoạn này cần có giải pháp tăng tính an toàn như vệ sinh sạch sẽ, khử trùng, có xà phòng rửa tay trước khi vào và ở nhà vệ sinh, đeo khẩu trang… Khách hàng sẽ tin tưởng những nhà bán hàng biết quan tâm đến việc bảo vệ chính bạn & cho họ.
* Tăng cường hoạt động bán hàng online: hoạt động bán hàng online, giao hàng tận nơi ở giai đoạn này có thuận tiện hơn. Bên cạnh việc bán hàng online bằng hệ thống có sẵn như website, Facebook, Zalo… thì cũng nên nghiêm túc cho việc hợp tác với những đối tác là sàn thương mại điện tử hay nhà bán hàng trung gian, ví dụ với lĩnh vực ăn uống thì có thể hợp tác với Grabfood, Now, Gofood, Beamin…
* Tìm thị trường mới để tăng doanh thu, nếu có hoạt động xuất khẩu thì nên tận dụng cơ hội với Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa EU và Việt Nam, hoặc chí ít cần tìm hiểu và phát triển thêm các thị trường mới, để giảm lệ thuộc ở thị trường Trung Quốc.
* Thực hiện các hoạt động quảng bá hướng đến tính cộng đồng để xây dựng được hình ảnh tử tế trong con mắt của khách hàng, ví dụ đồng hành cũng các chương trình hỗ trợ người nông dân trong mùa dịch do không xuất hàng qua được Trung Quốc, bằng cách bày bán thêm hàng này với giá gốc, chương trình tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho khách hàng, cộng đồng…
3. Nâng cấp hệ thống:
* Xem xét lại hệ thống vận hành để hướng đến tối ưu vì giai đoạn này có luồng công việc giảm xuống và đây cũng là thời điểm có thời gian để “khám và chữa bệnh” cho tổng thể hệ thống này, từ đó tạo nền tảng để tăng tốc khi qua giai đoạn khó khăn.
* Nâng cấp yếu tố con người: giai đoạn này sẽ có nhiều thời gian “rảnh” hơn và hãy dành nó cho công tác đào tạo nâng cấp nhân sự. Việc đào tạo trong giai đoạn này có nhiều ích lợi. Một, nhân sự sẽ thấu hiểu hơn về giá trị của tổ chức, để yêu quý và gắn kết với tổ chức hơn. Hai, năng lực của nhân sự được tăng lên nhờ được đào tạo và có thời gian để ngẫm và ngấm. Ba, với tổ chức thì đây là giai đoạn thể hiện rõ sự cam kết về giá trị cốt lõi, là sứ mạng là tầm nhìn bằng hành động cụ thể giúp tăng niềm tin. Việc đào tạo có thể tự đào tạo nội bộ hoặc thuê đơn vị bên ngoài để tăng vùng hiểu biết.
4. Chiến lược rút lui:
Nói đến rút lui, dẹp tiệm, phá sản có lẽ chẳng ai thích thú cả nhưng việc đó là cần thiết vì tính hiệu quả & thiết thực. Tôi lấy cái ví dụ, trong giai đoạn trước dịch bệnh kinh tế đang phát triển mà tổ chức cũng vật vã khốn đốn mà chẳng tìm được hướng đi nào rõ ràng cho sự nghiệp kinh doanh, cứ làm hết cách này rồi đến cách khác mà vẫn “tối đen như đêm tối của chị Dậu”. Và rồi đến giai đoạn dịch bệnh này thì khó khăn tăng lên nhiều lần mà cũng chẳng tìm ra một chút ánh sáng nào, người doanh chủ/đội ngũ sáng lập viên cảm thấy stress đến cùng cực, vẫn cứ chồng chất khó khăn vì chẳng có con đường tươi sáng. Đây là thời gian thực hiện chiến lược rút lui tốt nhất, hãy mạnh mẽ để chấp nhận thất bại, hãy giữ vững uy tín để đối diện với việc rút lui vì “thua keo này ta sẽ bày lại keo khác”. Thất bại chỉ là thứ vô nghĩa khi những bài học của nó là vứt đi, còn ta vẫn giữ được những giá trị từ nó, học hỏi từ nó thì thất bại chẳng qua là một bước đệm để tiến đến thành công phía trước đấy.
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, ca khúc Đường đến ngày vinh quang của nhóm nhạc Bức Tường, là lời chúc của tôi đến tất cả những doanh chủ doanh nghiệp nhỏ trong giai đoạn này, hãy vững tin ở bản thân và hãy giữ uy tín vững vàng.
Cao Trung Hiếu | Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
TP HCM ngày 15/02/2019